Ba mẹ cần chiến lược gì để giúp con mua nhà?

Như Ngọc
Lên kế hoạch vay thế chấp, thanh toán khoản trả trước và dạy con kiến thức tài chính là chiến lược để ba mẹ có thể hỗ trợ con trong việc sở hữu ngôi nhà mơ ước.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc trả những khoản nợ vay tiêu dùng đã là vấn đề lớn đối với những thế hệ trẻ như Millennials, gen Z và Alpha. Chính vì thế để hiện thực hóa được ước mơ an cư lạc nghiệp, các bậc ba mẹ thường giúp đỡ về mặt tài chính để các con của mình sở hữu một ngôi nhà phù hợp.

Theo khảo sát năm 2020 cho thấy có 65% ba mẹ trên 39 tuổi sẵn sàng giúp đỡ con cái mua nhà. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có đủ khả năng tài chính để “mua đứt bán đoạn” một ngôi nhà. Các gia đình có thu nhập trung bình – thấp vẫn cần sự hỗ trợ vay vốn, các chính sách trả góp và ký kết các khoản thế chấp. Tất nhiên, họ cần có sẵn một chiến lược tài chính dài hạn để quản lý tốt các khoản nợ vay và giúp những đứa trẻ sở hữu ngôi nhà mơ ước.

Đảm bảo khả năng chi trả

Bậc làm ba mẹ sẽ không tiếc chi bất kỳ khoản tiền nào cho con cái. Dẫu thế việc mua nhà là một quyết định lớn, đòi hỏi năng lực tài chính của người thanh toán phải vững và mạnh. Vì vậy trước khi bắt tay vào việc đầu tư một ngôi nhà cho con cái, phụ huynh cần cân nhắc dòng tiền thu nhập đều đặn của mình có thể chi trả được chi phí vay phát sinh hàng tháng hay không.

dam-bao-kha-nang-chi-tra-1635735828.jpg
Ba mẹ cần chuẩn bị sẵn một chiến lược tài chính dài hạn để quản lý tốt các khoản nợ vay

Khi xét thấy không đủ khả năng trả nợ, nhiều người thường nghĩ đến việc sử dụng tiền tiết kiệm hưu trí với mong mỏi “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc hy sinh khoản tiền này đôi khi không “lấp” được khoản tiền mua nhà, còn tạo ra áp lực khiến ba mẹ cạn kiện sức lực và tinh thần. Ngoài ra, cuộc sống tuổi già thiếu hụt tiền hưu không phải là điều dễ dàng. Do đó cách tốt nhất cho trường hợp này là cần giáo dục trẻ thơ có tư duy tự lập trong hành trình tìm kiếm quyền sở hữu nhà ở.

Trang trải khoản thanh toán trước

Một trong những phương thức phổ biến nhất để giúp con mua được một căn nhà là tham gia các gói vay mua nhà trả góp và hỗ trợ khoản thanh toán trả trước. Đối với phần lớn các khoản thế chấp, các ngân hàng sẽ cho vay mua trả góp với tỷ lệ tối đa khoảng 70 – 80% giá trị căn nhà sắp sở hữu. Phần còn lại tương ứng với 20 – 30% được xem là khoản người mua phải trả trước bằng tiền mặt hoặc dùng tài sản đảm bảo. Ví dụ, gia đình đang nhắm mua căn hộ 2 tỷ đồng với tỷ lệ cho vay tối đa là 80%. Như vậy ba mẹ cần phải thanh toán trước 20% giá trị căn hộ, tương đương với khoản tiền là 400 triệu đồng.  

Bên cạnh đó, theo luật thuế thu nhập cá nhân, tiền không phải là loại hình tài sản đăng ký quyền sở hữu, sử dụng. Chính vì thế ba mẹ có thể tặng khoản tiền thanh toán trước này cho con cái mà không cần phải lo lắng về việc nộp bất kỳ khoản lệ phí hay thuế nào.

Hỗ trợ ký hợp đồng thế chấp

Những thế hệ như gen Z trở về sau “chuộng” lối sống hưởng thụ, chi tiêu thoải mái, không muốn tiết kiệm vì xem đó là sự gò bó và mất tự do cuộc sống. Thêm vào đó, nhờ tính lý tưởng cho phép mua trước trả sau của thẻ tín dụng đã tạo nên một thế hệ trẻ “túi rỗng nhưng tiêu sang”.
Thói quen tiêu tiền không kiểm soát cũng khiến cho nhiều bạn trẻ lâm vào tình trạng nợ nần và bị ghi nhận vào nhóm nợ xấu cá nhân trên hệ thống CIC (quản lý thông tin tín dụng). Dựa trên lịch sử tín dụng không tốt, nhiều ngân hàng buộc phải từ chối các khoản vay và điều này tạo thành rào cản ngăn họ trong việc sở hữu ngôi nhà mơ ước.

Trong tình huống này, ba mẹ có thể đứng ra giúp ký kết hợp đồng thế chấp thay cho con của mình. Tuy nhiên khi chọn lựa giải pháp này, hãy chắc chắn rằng thu nhập của con đủ để thanh toán gốc và lãi vay hàng tháng cho ngân hàng. Ngoài ra bậc phụ huynh nên có sẵn khoản tiền dự trù để đề phòng những sự cố bất ngờ khiến con của bạn không thể xoay sở thanh toán.

Giúp con tự trang trải chi phí

Hầu hết thế hệ trẻ sẽ không đủ khả năng để chi trả toàn bộ giá trị ngôi nhà. Chính vì thế ba mẹ nên có sự hỗ trợ tài chính cơ bản trong những năm đầu. Tiếp nối ví dụ trên, giả sử khoản vay có thời hạn trong 20 năm, bên cạnh khoản thanh toán trước ba mẹ có thể chi trả một nửa trong 10 năm đầu. Phần còn lại hãy để đứa trẻ tự thanh toán.

Trong giai đoạn hỗ trợ tài chính, bậc phụ huynh nên dạy con của mình các kiến thức về tài chính. Điều này không chỉ giúp trẻ tránh được những rủi ro “sập bẫy” từ các kênh cho vay lừa đảo. Song song đó còn giúp con học cách kiểm soát được chi tiêu hàng tháng. Khi sức khỏe tài chính ổn định, con của bạn có thể chủ động lên kế hoạch trả nợ trong những năm tiếp theo.

Mua nhà và cho thuê

Việc trở thành chủ nhà cho thuê có thể không nằm trong kế hoạch ban đầu. Ấy vậy đây lại là một hướng đi có khả năng sinh lời cao, giúp cả con lẫn ba mẹ giảm bớt áp lực tài chính. Gia đình có thể tận dụng những căn phòng trống trong nhà và cho thuê lại.

Mặt khác, đối với những ba mẹ có tài chính tốt có thể thanh toán dứt điểm căn nhà và cho con cái thuê lại. Đây là một trong những cách thức hỗ trợ mới, không chỉ giúp con có được ngôi nhà mơ ước, còn giúp con có thêm động lực để kiếm tiền. Đối với khoản tiền thu về, ba mẹ có thể thay con cất giữ thành khoản tiền tiết kiệm sau này.

Mua nhà là quyết định lớn đòi hỏi phải phù hợp với túi tiền của tất cả thành viên trong gia đình. Việc thực hiện các bước trên sẽ giúp ba mẹ đảm bảo cho con có một ngôi nhà trong tương lai mà không quá căng thẳng về nguồn tài chính.

Ni Tô