Hà Nội sẽ chi hơn 330.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông

Admin
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dự kiến có 460 dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải xây dựng trong 5 năm tới tại thành phố, với tổng kinh phí hơn 330.000 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại TP. Hà Nội dự kiến có 460 dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Trong đó, có 451 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), một dự án đầu tư theo hình thức PPP kết hợp đầu tư công. Số lượng dự án đã bao gồm 143 dự án cũ chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020. Tổng kinh phí dự kiến dành cho danh mục này ước tính hơn 330.000 tỷ đồng.

Một số dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 tại Hà Nội gồm:

- Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội: Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, tuyến thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

- Các công trình đường vành đai: Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng; tuyến vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở; vành đai 3 đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài và đoạn từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh với mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng; vành đai 3,5 với mức đầu tư khoảng 5.670 tỷ đồng)...

- Cùng các công trình nút giao thông quan trọng khác.

giao-thong-ha-noi-1622871754.jpg

Tuyến đường Thanh Xuân - Nguyễn Trãi là một trong những điểm đen ùn tắc giao thông của Hà Nội. Nguồn: VnEconomy

Với số lượng lớn các dự án và tổng mức đầu tư cao, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ có các tiêu chí để ưu tiên đầu tư các dự án cho từng nhóm công trình. Theo đó, Sở đề ra 3 nguyên tắc để quyết định thứ tự ưu tiên:

Thứ nhất, dự án phù hợp với định hướng quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, cùng khả năng cân đối nguồn lực. Những công trình cấp bách, quan trọng trong mạng lưới giao thông vận tải thành phố sẽ được ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên, việc này cũng đi kèm với các điều kiện về thủ tục đầu tư liên quan đến công trình.

Thứ hai, thực hiện đầu tư tập trung, hoàn thành dứt điểm các tuyến đường bảo đảm kết nối đồng bộ của mạng lưới hạ tầng giao thông.

Thứ ba, ưu tiên các dự án giải tỏa đoạn đường thường xuyên kẹt xe, ùn ứ, xóa bỏ các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông. Đây là vấn đề nhức nhối tại các thành phố lớn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Sở cũng chủ trương thực hiện các dự án kết nối liên vùng và nội vùng, trong đó, tập trung hoàn thiện kết nối đô thị trung tâm là TP. Hà Nội với 5 đô thị vệ tinh (gồm Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc), công trình kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng thủ đô.

Chiêu An