Những rủi ro ‘trên trời rơi xuống’ khi nhờ người mua hộ bất động sản

Ngân Tuyết
Không ít người có ý định nhờ bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân mua hộ bất động sản vì lý do gì đó, vậy đâu là các rủi ro pháp lý của hành động này?

Vì một lý do nào đó hoặc để hưởng ưu đãi của chủ đầu tư, bạn dự định nhờ người khác đứng tên khi giao dịch bất động sản. Người đó có thể là người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Tuy nhiên, việc làm này sẽ chứa nhiều rủi ro về cả tính pháp lý lẫn ảnh hưởng đến mối quan hệ, nhất là trong trường hợp không có hợp đồng, thỏa thuận chặt chẽ trước đó.

Rủi ro khó đoán trước

Theo các chuyên gia, việc nhờ người khác đứng tên hộ sẽ gây ra rắc rối cho chủ sở hữu nếu xảy ra các tình huống xấu. Chẳng hạn người được nhờ mua có ý định chiếm đoạt tài sản, hoặc kể cả các trường hợp khó đoán trước nhu qua đời đột ngột hay xảy ra ly hôn. Cụ thể là:

Một là, dưới góc độ pháp lý, hành vi nhờ người khác đứng tên hộ tài sản tức đồng nghĩa chủ nhà thực sự không có quyền định đoạt bất động sản, dù cho nguồn tiền sở hữu bất động sản đó do bạn đưa ra.

Khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013 có ghi rõ: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Nếu bạn muốn chuyển nhượng bất động sản thì quyền quyết định phải thuộc vè người đứng tên. Việc này còn đưa đến rủi ro người đứng tên lạm dụng quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hai là, trường hợp hi hữu nhưng vẫn có thể xảy ra đó là người mà bạn nhờ đứng tên hộ qua đời. Khi đó, bất động sản theo quy định sẽ là di sản của người đã mất và tiến hành chia thừa kế. Nếu người đứng tên đó chua thừa nhận có việc đứng tên trước đó, bạn sẽ rơi vào nhiều rắc rối.

Ba là, nếu người đứng tên hộ nhà đất ly hôn trong khi vẫn chưa đổi quyền sở hữu sang cho chủ thực sự, thì chồng hoặc vợ của người đó có thể yêu cầu chia tài sản chung phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Khi đó bất động sản bạn nhờ đứng tên hộ cũng bị chia đôi.

Trong các trường hợp đó, nếu không có bằng chứng cho thấy bạn là chủ nhà thực sự, bạn sẽ có nguy cơ “mất trắng” khối tài sản tiền tỷ. Hoặc thậm chí nếu có chứng minh được, thì những thiệt hại về thời gian và tiền bạc cũng sẽ khó tránh khỏi trong thời gian tranh chấp.

cvp1552952116-1630902323.jpg

Kinh nghiệm cần lưu ý 

Nếu bạn vẫn rơi vào trường hợp cần người đứng tên hộ mua nhà đất, bạn sẽ phải thận trọng và lưu ý bốn điểm chính sau:

Thứ nhất, phải soạn thảo nội dung thỏa thuận rõ ràng và đến văn phòng công chứng để xác thực. Bạn có thể yêu cầu phía dịch vụ công chứng tư vấn thêm một số nội dung hợp pháp để đảm bảo tính pháp lý của văn bản thỏa thuận này.

Thứ hai, nên giữ lại các bằng chứng diễn ra trong quá trình thỏa thuận giữa hai người, ví dụ như ghi âm cuộc gọi trao đổi, chụp ảnh email hoặc tin nhắn giữa hai bên, hoặc các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn tiền để mua bất động sản là của bạn.

Thứ ba, luôn là người nắm giữ các giấy tờ đăng ký sở hữu tài sản sau khi hoàn tất quá trình mua bán.

Thứ tư, nếu có dấu hiệu bên nhờ đứng tên có một trong ba rủi ro đã nêu ở mục đầu, bạn cần sớm làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tuyết Ngân